Khái niệm diệt khuẩn
Khái niệm diệt khuẩn, khử khuẩn, tiệt khuẩn có nghĩa khá rộng và người ta dùng các thuật ngữ khác nhau để chỉ các mức độ diệt khuẩn khác nhau. Sẽ có ích khi so sánh các thuật ngữ tiếng Việt với các thuật ngữ mà rất nhiều nước thường sử dụng.
Mức độ diệt khuẩn mạnh nhất là tiêu diệt, giết triệt để tất cả các loại vi sinh vật, vi khuẩn dạng thường (vegetative bacteria - vi khuẩn dinh dưỡng) hay dạng kén (spores), virus... Thuật ngữ trong tiếng Anh
tương đương là “sterilization”. Một thuật ngữ tương tự khác là “pasteurization” (từ này liên quan đến ông Louis Pasteur (1822-1895), thời ông, người ta chủ yếu dùng nhiệt để khử khuẩn, vậy từ “pasteurization” thường hiểu là dùng nhiệt để diệt khuẩn, nhiệt độ có thể thấp (60-70oC) ở thời gian dài hoặc nhiệt độ cao, trên 100oC trong thời gian ngắn), dưới áp suất thường hoặc áp suất cao. Thuật ngữ “disinfection” cấu thành từ từ “dis” - tiếp đầu ngữ có nghĩa ngược lại và “infection” (nhiễm trùng) và vậy disinfection là chống nhiễm trùng. Từ này có nghĩa khá rộng: có thể hiểu là diệt khuẩn, có thể hiểu là hạn chế sự phát triển của khuẩn, hạn chế hoạt động của khuẩn (inactivation) trên người, trên đồ vật, phòng ốc, phương tiện mà người sử dụng... bằng cách trực tiếp sử dụng các tác nhân vật lý và hóa học. Có thể hiểu disinfection với nghĩa chung hơn và rộng hơn: từ hạn chế số lượng và kìm hãm
khả năng hoạt động của khuẩn đến khử khuẩn hoàn toàn. Theo Quyết định số 3671/QĐ-BYT ngày 27/9/2012 của Bộ Y tế, “...Từ tiệt khuẩn (sterilization) dùng để chỉ quá trình tiêu diệt hoặc loại bỏ tất cả các dạng của vi sinh vật sống bao gồm cả bào tử vi khuẩn. Khử khuẩn (disinfection) là quá trình loại bỏ hầu hết hoặc tất cả vi sinh vật gây bệnh nhưng không diệt bào tử vi khuẩn...”.
Cũng theo Quyết định trên của Bộ Y tế: “...có 3 mức độ khử khuẩn: khử khuẩn mức độ thấp, trung bình và cao. Khử khuẩn mức độ cao (high level disinfection) là quá trình tiêu diệt toàn bộ vi sinh vật và một số bào tử vi khuẩn. Khử khuẩn mức độ trung bình (intermediate-level disinfection) là quá trình khử được M. tuberculosis, vi khuẩn sinh dưỡng, virus và nấm, nhưng không tiêu diệt được bào tử vi khuẩn. Khử khuẩn mức độ thấp (low-level disinfection) là tiêu diệt được các vi khuẩn thông thường như một vài virus và nấm, nhưng không tiêu diệt được bào tử vi khuẩn...”. Như vậy diệt khuẩn ở các mức độ khác nhau rõ nghĩa và chi tiết hơn, song cũng có cùng nội dung như khử khuẩn (disinfection) và tiệt khuẩn (sterlization, pasterization). Một thuật ngữ nữa cũng được dùng là vệ sinh (sanitation / cанитация và hygiene / Гигиена) (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương có tên tiếng Anh là Institute of Hygiene và Epidemology). Bạn đọc có thể tham khảo và bình luận cùng các tác giả cuốn sách này về cách hiểu sau: Sanitation (nghĩa rộng của vệ sinh) là các công cụ, các hành động chung, thậm chí các chính sách để giữ môi trường tốt bảo đảm sức khỏe tốt cho cộng đồng, bao gồm: giải quyết vấn đề rác, chất thải, cống rãnh, thoát nước, vận động mọi gia đình có nhà vệ sinh, cấp nước sạch và cả môi trường chế biến thực phẩm, thuốc men. Hygiene (vệ sinh) thường hiểu là các cách thực hành có tính cá nhân hơn để bảo đảm sạch, giữ sức khỏe như: rửa tay, tắm rửa, cắt tóc, cắt móng tay, đánh răng, súc miệng, chăm sóc tai, da, vệ sinh phụ nữ, ăn chín uống sôi... Hai thuật ngữ tiếng Anh: sanitation và hygiene tương đương từ “vệ sinh” trong tiếng Việt với cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp của từ đó. Để thực hành vệ sinh thì khử khuẩn chỉ là một phần, trong công tác vệ sinh cần chất khử khuẩn, song cần cả hệ thống rộng hơn để bảo đảm môi trường tốt cho con người như hệ thống cấp thoát nước, cống rãnh, thông gió... trong khu dân cư hoặc trong từng chung cư hay căn hộ. Khái niệm vệ sinh (sanitation và hygiene) rất liên quan đến nhau, một thứ là các công cụ, các biện pháp xã hội xử lý môi trường cho sạch, một thứ liên quan đến hành vi, ý thức, thói quen cá nhân. Dưới cách hiểu này thì Báo Vui sống (1946-1953) của giáo sư Từ Giấy thiên về “hygiene/vệ sinh cá nhân”. Khi đó, vào năm 1946, ngay sau giành độc lập và bắt đầu của cuộc chiến tranh chống Pháp, rất cần tuyên truyền vệ sinh cá nhân khi đất nước vừa thoát khỏi chế độ thực dân, nạn mù chữ còn phổ biến, dân trí còn thấp. Tuy nhiên nhiều bài viết trong Vui sống đã đề cập các vấn đề rộng hơn, tức là vấn đề vệ sinh theo nghĩa của thuật ngữ “sanitation”.
Ngoài ra còn có các khái niệm, các từ khác như làm sạch (cleaning) và khử nhiễm (decontamination). Các khái niệm này chỉ sự làm giảm sự ô nhiễm vô cơ, hữu cơ, khuẩn, nấm mốc trên các bề mặt, dụng cụ. Điều này cần thực hiện trước khi khử khuẩn hay tiệt trùng.
Ozone, dạng khí hay hoàn tan trong nước được dùng trong các công đoạn làm sạch nêu trên. Tùy theo nồng độ và thời gian, mà ozone tham gia quá trình khử khuẩn ở các cấp độ khác nhau: tiệt khuẩn kể cả virus và kén (sterilization) hay khử khuẩn (disinfection).